ĐIỂM DU LỊCH VĂN HOÁ TÂM LINH ĐỀN DIÊN CỜ

Thứ tư - 29/05/2024 23:57
  ĐIỂM DU LỊCH VĂN HOÁ TÂM LINH ĐỀN DIÊN CỜ

          Nghi Lộc là một vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng. Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa ở Nghi Lộc phong phú về số lượng và thể loại với 237 di tích đã được thống kế, trong đó 12 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 16 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Nghi Lộc là quê hương của các danh nhân: Nguyễn Xí, Nguyễn Sư Hồi, Nguyễn Thức Tự, Phạm Nguyễn Du, Trương Vân Lĩnh, Đặng Thái Thân, Đinh Văn Chất, Hoàng Phan Thái, Lê Huy Miến, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Đình Đắc, Nguyễn Đức Nguyên ( Hoài Thanh ), Nguyễn Năng Tĩnh, Nguyễn Thức Canh…
 Nghi Lộc có nhiều di tích để phát triển loại hình du lịch tâm linh như Đền thờ thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí, Đền Diên Cờ, Đền Cửa, Đình - Đền- Chùa Trung Kiên, Đền Chính Vị…
Nghi Lộc có hệ thống giao thông thuận lợi, tuyến Quốc lộ 1A chạy qua trung tâm địa bàn huyện, Quốc lộ 48 E nối Cửa Lò- Nghi Lộc…
ĐỀN DIÊN CỜ- XÃ NGHI TRƯỜNG

1. Tên điểm du lịch: điểm du lịch văn hóa tâm linh  đền Diên Cờ, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, Nghệ An
2. Tài nguyên và giá trị nổi bật:
Đền Diên Cờ có tên đầy đủ là cụm di tích đền Diên Cờ và hồ Bạch Tượng, thuộc làng Đông Chử, tổng Thượng Xá, huyện Chân Lộc (nay thuộc xóm 14, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc) để thờ các vị thần có công với dân, với nước nên đền được đặt theo tên địa danh.
Hồ Bạch Tượng: Đây là một hồ nước tự nhiên. Theo các cụ cao niên trong vùng kể lại, đàn voi chiến màu trắng của Nguyễn Xí đã từng tắm và nghỉ dưỡng ở đây trong thời gian hội quân để tiến đánh quân Minh xâm lược, nên địa  danh nay có tên gọi là hồ Bạch Tượng.
Đền Diên Cờ tọa lạc trên một địa thế bằng phẳng thuộc xứ đồng Mồ Úng của xã Nghi Trường. Đền quay mặt về hướng Nam, nằm trong khu dân cư trù phú. Trước đền khoảng 500m, là cánh đồng hoa màu xanh mướt quanh năm. Xa xa về phía Tây đền là núi Kiếm. Sau lưng đền khoảng 5km, có núi Long, núi Tượng và núi Bảng Nhãn. Cách đền 5km về phía Đông là khu du lịch biển Cửa Lò thơ mộng.
Từ ngàn xưa, nơi đây luôn được coi là “địa linh, nhân kiệt”, một vùng đất có nhiều nhà túc nho, khoa bảng, tướng lĩnh. Cùng với các di tích trên địa bàn như: chùa Ông Đột, nhà thờ Nguyễn Thức Tự... đền Diên Cờ trở thành điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh hấp dẫn, có giá trị giáo dục về mặt truyền thống yêu nước và cách mạng, góp phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống và phát triển du lịch của địa hương hiện tại và tương lai.
Đền Diên Cờ được xây dựng năm 1533, và được đưa vào trùng tu tôn tạo năm 2012 được đưa vào sử dụng vào năm 2014. Đây là 1 công trình văn hóa tâm linh có quy mô bề thế, đền gồm 3 toà Thượng, Trung, Hạ điện, cổng, sân đền. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và sự tàn phá của các cuộc chiến tranh, đền bị xuống cấp trầm trọng. Năm 2012, đền Diên Cờ được chính quyền địa phương và bà con nhân dân góp công sức phục dựng lại với quy mô lớn trên nền đất cũ có tổng diện tích 5.028m2
Hạ điện được thiết kế theo kiểu kiến trúc chồng diêm, có diện tích 136,655m2, gồm 3 gian 2 hồi, 3 phía xây tường, dày 0,25m. Độ cao từ đỉnh xuống nền nhà là 6,9m, phía sau trổ 2 cửa thông ra sân lộ thiên. Bờ nóc trang trí hình “lưỡng long triều nguyệt”, các đầu đao đắp nổi hình rồng. Phần tường (cổ diêm) nối liền giữa hai mái trang trí bằng các bức tranh diễn tả phong cảnh dạo chơi của các vị tiên ông.
Trung điện có diện tích 158,827m2, gồm 5 gian, trên bờ nóc trang trí hình “lưỡng long triều nguyệt”. Các đầu đao cách điệu vân mây.
Thượng điện có diện tích: 255,39m2, gồm 5 gian, 2 hồi, có hành lang chạy quanh, kiến trúc theo kiểu nhà chồng diêm. Hai bên  bậc thềm của Thượng điện đặt 4 con rồng, chất liệu bằng đá, chia thành 3 ô, hai ô hai bên là lối đi lên Thượng điện, ô ở giữa được nghệ thuật hoá bằng một bức tranh sống động mô tả đề tài “cửu long tranh châu”: Chín con rồng đang vờn hòn ngọc.Trên bờ nóc trang trí hình “lưỡng long chầu nhật”: hai con rồng uốn lượn ra hai bên rồi ngoảnh đầu vào chầu hình tượng mặt trời. Các đầu đao uốn cong cách điệu vân mây.
Đền Diên Cờ được xây dựng để thờ thần chủ: Cao Sơn, Cao Các[1], Đức Thánh Trần, Tam tòa thánh mẫu, Cương Quốc công Nguyễn Xí và Hậu thần Nguyễn Thức Vạn. Đây là những vị thần có công hộ quốc yên dân, được nhiều nơi thờ phụng. Đối với nhân dân xã Nghi Trường nói riêng, tổng Thượng Xá nói chung, các vị thần này đã từng giúp đỡ, chở che cho nhân dân có được cuộc sống ấm no, bình yên. Chính công lao bảo quốc hộ dân đó mà các triều đại phong kiến đã nhiều lần ban sắc phong thưởng cho các vị thần. Với nhân nhân Nghi Trường, đền Diên Cờ từ hàng trăm năm nay là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con nhân dân, nơi gửi gắm niềm tin, hy vọng, cầu mong được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
- Hồ Bạch Tượng và đền Diên Cờ từng là nơi gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong thời gian nghĩa quân lui về Nghệ An theo sáng kiến của Nguyễn Chích. Nơi đây, Nguyễn Xí từng hạ trại cho binh sỹ nghỉ ngơi ở hồ Bạch Tượng, đàn voi, ngựa chiến của Nguyễn Xí đã từng hạ trại, đóng quân ở đây trong thời gian dựng cờ phát lệnh tuyển thêm quân. Sau khi thắng trận trở về, đây cũng từng là nơi Nguyễn Xí hợp binh để chỉnh đốn quân binh, xe ngựa và mở hội khao quân.
- Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tại đền Diên Cờ đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng: là nơi hội họp bí mật của Huyện uỷ Nghi Lộc trong phong trào cách mạng 1930 - 1931, nơi liên lạc của các đảng viên để gây dựng lại phong trào năm 1936 – 1940, để chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương. Đây là những cứ liệu lịch sử quan trọng giúp hậu thế hiểu thêm về các phong trào cách mạng diễn ra tại địa phương , là nguồn tư liệu giúp cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử.
Hiện nay, tại đền còn lưu giữ được 7 sắc phong của các triều đại phong kiến ban tặng cho thần chủ Cao Sơn, Cao Các được nhân dân nơi đây tôn làm Thành hoàng. Đây là nguồn tài liệu gốc giúp hậu thế hiểu thêm về lai lịch, công trạng của các vị thần, các anh hùng dân tộc, các nhân vật lịch sử, chế độ bao phong của các triều đại phong kiến cho các vị Thành hoàng và cũng là minh chứng cho sự tồn tại lâu đời của đền Diên Cờ.
- Giá trị văn hóa:
Đền Diên Cờ là nơi tưởng niệm, nơi tôn thờ những vị thần có công với dân, với nước, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương.
Nơi đây, hàng năm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, tiêu biểu nhất là vào dịp lễ chính của đền (từ ngày 21 đến ngày 22 tháng 1 âm lịch). Lễ tế hàng năm được tổ chức rất trang nghiêm theo đúng nghi thức truyền thống, thu hút đông đảo nhân dân vùng Thượng Xá và các vùng lân cận về dự lễ.
Nếu như lễ được tổ chức có tính quy định nghiêm trang ở trong đền, thì trái lại hội là nơi sinh hoạt phóng khoáng diễn ra ngoài sân đền (sân lễ hội) để dân làng cùng bình đẳng vui chơi với hàng loạt trò chơi do mình chủ động tham gia. Sau những ngày làm ăn vất vả lam lũ, người dân đón chờ ngày hội như đón chờ một niềm vui cộng đồng. Đến hội mọi người dân được vui chơi thoả thích không bị ràng buộc bởi lễ nghi, tôn giáo, giai cấp và tuổi tác. Đến với hội họ được tắm mình trong bầu không khí hồ hởi sảng khoái và tự nguyện, được vui chơi giải trí, gặp gỡ bạn bè anh em. Không chỉ vậy, người về dự hội còn cảm thấy mình được “may”, được “khước”, được “lộc thánh”, “lộc thần”. Điều này chỉ có trong ngày hội và ai muốn được phải đến tận nơi. Vì vậy, lễ hội hàng năm tại đền Diên Cờ rất đông, rất nhộn nhịp. Những ngày diễn ra lễ hội nhịp sống trong làng tưng bừng, nhộn nhịp hẳn lên. Chính vì thế mà lễ hội nói chung, lễ hội đền Diên Cờ nói riêng đã trở thành một sinh hoạt văn hoá cộng đồng luôn cuốn hút mọi tầng lớp trong xã hội tham gia.
Những nghi thức tế lễ và những hoạt động khác trong ngày tế lễ cũng chính là một trong những nét văn hoá đặc sắc, góp phần bảo lưu và gìn giữ những giá trị văn hoá phi vật thể mà cha ông đã dày công sáng tạo và vun đắp, góp phần xây dựng đạo đức, lối sống tốt đẹp, xây dựng quê hương giàu đẹp, hạnh phúc.
- Giá trị khoa học thẩm mỹ của di tích:
Đền Diên Cờ nằm trên một vùng đất được coi là “địa linh, nhân kiệt”, có nhiều nhà túc nho, khoa bảng, cảnh quan đẹp, là sự lựa chọn rất kỹ lưỡng của người xưa khi chọn mảnh đất này để xây đền.
Đền có khuôn viên rộng, thoáng đãng là cơ sở tốt phục vụ các kỳ lễ truyền thống diễn ra tại đền.
Đền được phục dựng lại theo kiểu kiến trúc truyền thống, bái trí thờ tự trang nghiêm. Các đề tài trang trí trên bờ nóc đều lấy đề tài truyền thống như: “lưỡng long triều nguyệt”, các đầu đao uốn cong đắp nổi hình rồng….tạo nên cho ngôi đền tuy mới được phục dựng nhưng vẫn mang dáng dấp cổ kính, toát lên được tính tôn nghiêm cho công trình kiến trúc tâm linh và cũng là điểm nhấn thu hút du khách hành hương, vãn cảnh đền.
3. Đường đi đến di tích:
Cách Thành phố Vinh 8 km về phía Đông Bắc , du khách xuất phát từ thành phố Vinh, theo đường quốc lộ 46, du khách đi theo hướng  Vinh – Cửa Lò khoảng 7km sẽ đến đền Diên Cờ và Hồ Bạch Tượng.
- Xuất phát từ Quốc lộ 1A tuyến Hà Nội – Vinh  đến ngã tư thị trấn Quán Hành, du khách rẽ trái theo đường quốc lộ 48E  ( hướng Quán Hành – Chợ Sơn) khoảng 5km là đến di tích.
4. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật:
- Hệ thống cơ sở hạ tầng của Đền được đầu tư khá hoàn thiện, có bãi đậu xe, có hệ thống thoát nước, có hệ thống điện đảm bảo. Xung quanh khu vực đền có nhiều biển chỉ dẫn, biển dẫn tích và sơ đồ khu vực đền.
LỄ HỘI ĐỀN DIÊN CỜ HÀNG NĂM
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây